Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0978669773
khoasinhhoc@hpu2.edu.vn

Học ngành Công nghệ sinh học ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, sinh viên có ưu thế gì?

GDVN - Công nghệ sinh học được xem là cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sức khỏe, khoa học thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Phát triển Công nghệ sinh học là xu thế của thế giới song hành với sự tiến lên trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp. Vì vậy, ngành Công nghệ sinh học đã được đào tạo tại nhiều trường đại học trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tự chủ quyết định đào tạo ngành Công nghệ sinh học.

Ngành đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Công nghệ sinh học được xác định là một trong ba trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Số lượng các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ sinh học đã có sự phát triển nhanh chóng với quy mô ứng dụng và trình độ công nghệ ngày càng cao.

Thị trường lao động ở các lĩnh vực y dược, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường,... luôn đòi hỏi nhân lực Công nghệ sinh học có chất lượng.

Do đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tự chủ quyết định đào tạo ngành Công nghệ sinh học vào năm 2023, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Qua một năm đào tạo, chúng tôi tự tin khẳng định chương trình đào tạo đáp ứng được nguyện vọng của người học và yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã chuẩn bị cho việc mở và đào tạo ngành Công nghệ sinh học từ nhiều năm trước như việc chuẩn bị đội ngũ, đầu tư trang thiết bị, xây dựng mối quan hệ với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ sinh học…

Hơn nữa, nhà trường đã khẳng định uy tín với công tác đào tạo nhiều ngành liên quan trực tiếp đến ngành Công nghệ sinh học như cử nhân Sinh học, cử nhân Sư phạm Sinh học, thạc sĩ Sinh học thực nghiệm, thạc sĩ Sinh thái học, tiến sĩ Sinh lý học thực vật. Đây là điểm thuận lợi cho nhà trường khi bắt đầu đầu đào tạo ngành Công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có truyền thống trong đào tạo các ngành Sư phạm, vì thế phần lớn đội ngũ giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong sản xuất - kinh doanh, triển khai ứng dụng hoặc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại các cơ sở sản xuất (nhất là tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường khi sản xuất các sản phẩm). Phía thầy Thành nêu rõ, khó khăn cơ bản này sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Phương pháp dạy học chú trọng thực hành

Thực tế, ngành Công nghệ sinh học đã được đào tạo tại nhiều trường đại học ở Việt Nam. Nói về điểm khác biệt trong phương pháp giảng dạy ngành này tại Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho hay: “Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thiết kế để sinh viên phát triển phẩm chất và năng lực nghề nghiệp vững vàng, năng lực chuyên ngành sâu, rộng và năng lực thích ứng tốt.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Điều này giúp người học sau khi tốt nghiệp có đầy đủ tri thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cần thiết của công dân thế kỷ 21, đáp ứng tốt yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước, ngành, địa phương. Đặc biệt, khả năng thích ứng nhanh chóng với vị trí việc làm trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, có khả năng hợp tác, sáng lập và khởi nghiệp”.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thiết kế theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyên ngành về nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh các sản phẩm Công nghệ sinh học.

Chương trình đào tạo của trường chú trọng thí nghiệm, thực hành, thực tập và trải nghiệm nghề nghiệp, kết nối chặt chẽ với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Người học được kiểm chứng tri thức về Công nghệ sinh học thông qua thực hiện các thí nghiệm, thực hành; trực tiếp thực hiện các công việc trong các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất, các quy trình công nghệ,… và trải nghiệm nghề nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Là sinh viên thuộc khóa đầu tiên của ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, bạn Lê Thị Phương Linh chia sẻ: “Qua hai kỳ học của năm học đầu tiên, mình nhận thấy, cách dạy của thầy cô rất khác so với khi chúng mình học ở cấp trung học phổ thông.

Hầu hết các buổi học lý thuyết, chúng mình được tham gia vào rất nhiều các hoạt động học tập tích cực trên lớp. Mình luôn phải đọc trước giáo trình, tài liệu tham khảo để thảo luận sau đó được các thầy cô giảng giải, kết luận lại vấn đề.

Với các buổi thực hành, thầy cô hướng dẫn tìm hiểu chi tiết không chỉ về quy trình thực hành mà còn các bước sử dụng từng thiết bị thực hành và yêu cầu thực hiện những nội quy, quy tắc trong phòng thực hành thí nghiệm.

Những lần thực hành thí nghiệm đầu tiên chúng mình đều rất bỡ ngỡ, lóng ngóng nhưng sau khoảng 2-3 tuần với sự chỉ dẫn tận tình của thầy cô, mình đã nhanh chóng bắt kịp những yêu cầu về kỹ năng của từng bài thực hành thí nghiệm trong môn học”.

Ngoài ra, sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 còn có nhiều cơ hội đi học ở nước ngoài và học bằng kép.

Với mục tiêu xây dựng nhà trường thành trường đại học đa ngành, đa ngôn ngữ, nhằm nâng chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của đổi mới đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế và đã ký kết Biên bản hợp tác với nhiều trường đại học uy tín trên thế giới.

Ví dụ như Trường Đại học Essex (Vương quốc Anh), Trường Đại học Artevelde (Vương Quốc Bỉ), Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), Đại học tổng hợp Southern Luzon (Philippines)... và đặc biệt nhà trường đã ký kết Biên bản hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho biết, cơ hội cho sinh viên học ngành Công nghệ sinh học đi trao đổi quốc tế là rất lớn. Hơn nữa, sinh viên còn có cơ hội học bằng kép (sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình đào tạo).

Sau năm học thứ nhất, nếu sinh viên ngành Công nghệ sinh học đủ điều kiện theo quy định có thể đăng ký học ngành thứ hai như ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh hay ngành Ngôn ngữ Tiếng Trung,… tại trường.

Nếu sinh viên học ngành Công nghệ Sinh học sử dụng tốt ngoại ngữ sẽ có cơ hội lựa chọn làm việc trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Định hướng chuyên ngành rõ ràng

Công nghệ sinh học là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống (sinh học), kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật (công nghệ) nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong quá trình ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau, ứng dụng của công nghệ sinh học được phân loại theo các màu sắc khác nhau như: Công nghệ sinh học màu đỏ tập trung vào lĩnh vực sức khỏe con người, thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất những loại thuốc kháng sinh, vaccine, thuốc, điều trị bệnh.

Công nghệ sinh học màu xanh lá cây tập trung vào các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, thông qua việc sử dụng các phương pháp tiếp cận gene để tạo các phân bón sinh học hay thuốc trừ sâu sinh học để tạo ra các vụ thu hoạch mới.

Công nghệ sinh học màu trắng được xem là nhánh lớn nhất của công nghệ sinh học, được phát triển để tạo ra các sản phẩm, tiến trình sản xuất tiêu thụ ít các nguồn nguyên liệu và năng lượng so với các phương pháp truyền thống.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 theo ba định hướng bao gồm cả ba lĩnh vực tiềm năng cho khoa học công nghệ sinh học nêu trên, cụ thể là: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ sinh học trong môi trường và Công nghệ sinh học trong y dược. Sinh viên có thể tự chọn theo một trong các hướng này từ năm học thứ ba để tiếp tục học và thực tập chuyên ngành.

Bạn Lê Thị Phương Linh cho biết: “Trong ba định hướng chuyên ngành, mình lựa chọn chuyên ngành Công nghệ sinh học trong nông nghiệp công nghệ cao vì nguyện vọng của bản thân là trở thành người sáng lập, điều hành, quản lý các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ sinh học trong nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Ngay từ những ngày đầu nhập học, các thầy cô đã giới thiệu để chúng mình hiểu rõ về ngành, trao đổi, định hướng nghề nghiệp nên mình có thể nhanh chóng xác định được mục tiêu.

Thông qua những buổi sinh hoạt đầu khóa, những buổi seminar, hội thảo chuyên môn của khoa và đặc biệt trong môn học Nhập môn công nghệ sinh học hay môn Tạo lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, mình cảm thấy thực sự yên tâm và rất háo hức với những môn học mới; những chương trình trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Mình cũng rất thích thú với những dự án khoa học gắn với thực tế đã, đang và sẽ được triển khai trong những năm học tiếp theo; có phần lo lắng nhưng cũng mong chờ chương trình thực tập, thực tế tại doanh nghiệp để có thể hiểu hơn nữa về tính chất nghề nghiệp tương lai. Mình tin tưởng rằng, nếu bản thân nghiêm túc học tập thì rất nhiều cơ hội việc làm đang chờ đón”.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Bàn về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Công nghệ sinh học, thầy Thành cho hay, công nghệ sinh học được xem là cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sức khỏe, khoa học thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chính vì lý do này, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ sinh học không ngừng tăng cao trong thời gian tới, từ các bệnh viện, phòng thí nghiệm cho đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sinh viên trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTCC

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể lựa chọn làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: Vận hành, quản lý và kiểm soát các quá trình và thiết bị công nghệ sinh học tại các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong các lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản, Y - Dược, bảo vệ môi trường…

Sau tốt nghiệp, các bạn cũng có thể trở thành nghiên cứu viên, trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu,… của các phòng thí nghiệm/dự án về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm và tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ, Ngành, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng,…

Các bạn có thể sáng lập, điều hành, quản lý các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ sinh học; Chuyên viên, cộng tác viên, điều phối viên,… tại các cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học của các Bộ, Ngành, địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ.

Một hướng nghề nghiệp khác là trở thành tư vấn viên, nhân viên kinh doanh,… tại các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thị Hồng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn phát triển công nghệ cao Minh Anh chia sẻ: “Để giúp các sinh viên có thể có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, đặc biệt là các vị trí làm việc tốt, chế độ đãi ngộ cao thì sinh viên nên chú ý phát triển hơn các kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp, quản lý doanh nghiệp,...

Với các năng lực, phẩm chất chuyên ngành được đào tạo kết hợp với các kỹ năng được trang bị thêm, đặc biệt là sự sáng tạo và sự chủ động, dám nghĩ, dám làm trong công việc thì sinh viên hoàn toàn đáp ứng được các công việc đúng chuyên môn được đào tạo và thích ứng được với môi trường làm việc thay đổi”.

Bà Hồng cũng đề cập thêm, trong định hướng phát triển của doanh nghiệp, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng là rất lớn, đặc biệt là các vị trí cần người làm việc ngay.

Trong thực tế tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có chất lượng và thường mất nhiều thời gian cùng kinh phí để đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Do đó, hiện tại, đơn vị đã liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để đào tạo và hỗ trợ sinh viên ngành Công nghệ sinh học được trải nghiệm, tham quan và làm việc tại doanh nghiệp, giúp các em hoàn thiện, tiếp cận được với các vị trí việc làm. Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng nguồn nhân lực này sau khi tốt nghiệp.

Như vậy, sinh viên của nhà trường được hỗ trợ trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, còn các đơn vị trong lĩnh vực Công nghệ sinh học nói chung có thêm nguồn để tuyển dụng nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Hồng Linh



Tags:


Bài viết khác

Địa phương cần giáo viên dạy tích hợp đào tạo bài bản

Địa phương cần giáo viên dạy tích hợp đào tạo bài bản

Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên là ngành học mới đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thí sinh

04/09/2024

Dạy học tích hợp: Nỗ lực từ giáo viên đơn môn

Dạy học tích hợp: Nỗ lực từ giáo viên đơn môn

GD&TĐ - Chuyên gia nêu giải pháp trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương

04/09/2024

STEM trong trường học: Giải pháp lâu dài cần hướng đến trong đào tạo giáo viên

STEM trong trường học: Giải pháp lâu dài cần hướng đến trong đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Tại Việt Nam giáo dục STEM trong giai đoạn đầu, vừa triển khai vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

04/09/2024

3 định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình mới

3 định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình mới

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chia sẻ về việc dạy học

04/09/2024

Hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM

Hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM

GD&TĐ - Đưa giáo dục STEM vào trường học phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, mang lại nhiều ý

01/09/2024

Công nghệ Sinh học định hướng nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ Sinh học định hướng nông nghiệp công nghệ cao

Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn

22/04/2024

0978669773