Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên là ngành học mới đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thí sinh hiểu rõ hơn về ngành học này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Sinh viên khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC
Thưa ông, lý do gì Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở ngành học cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên?
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở ngành cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 (Hội nghị Trung ương 8 khóa XI).
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học tự nhiên là môn học mới (tích hợp những nội dung về vật sống, năng lượng, sự biến đổi chất, trái đất và bầu trời) có trong Chương trình từ lớp 6 đến lớp 9. Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên triển khai sách giáo khoa lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó môn Khoa học tự nhiên đã và đang được đưa vào dạy học ở bậc THCS, trong khi các địa phương chưa có giáo viên được đào tạo để dạy môn học mới này. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực giáo viên có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản để dạy môn Khoa học tự nhiên khá lớn, nhằm đáp ứng công tác dạy học môn Khoa học tự nhiên tại các trường THCS.
Theo Thông tư số 20 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên phổ thông phải đạt chuẩn về trình độ và chuyên môn. Trong nhiều năm qua, giáo viên dạy các môn liên quan đến môn Khoa học tự nhiên ở các trường THCS phần lớn là giáo viên được đào tạo đơn môn như Sinh học, Vật lý hoặc Hoá học, hay tích hợp 2 môn Sinh - Hoá, Lý - Hoá… Vì thế, chỉ có thể đáp ứng được 1 - 2 trong yêu cầu giảng dạy môn Khoa học tự nhiên cấp THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, có một số giáo viên được đào tạo ở các trường cao đẳng, nhưng theo Thông tư 20 năm 2018 của Bộ GD&ĐT, các giáo viên này chưa đạt chuẩn, phần lớn giáo viên hiện nay cần được đào tạo để đạt chuẩn trình độ đại học và đạt chuẩn về chuyên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, các địa phương hiện nay đều có nhu cầu tuyển dụng cao (trên 90%) đối với giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên.
Từ phân tích trên cho thấy, nhu cầu đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở THCS vừa đạt chuẩn trình độ (đại học), vừa đáp ứng được yêu cầu dạy học môn Khoa học tự nhiên (chuẩn chuyên môn) là vấn đề cấp bách.
Vậy, cơ hội học tập và việc làm với ngành này ra sao, thưa ông?
Cơ hội học tập và việc làm với ngành cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên rộng mở. Về cơ hội học tập ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, đây là ngành đào tạo trình độ đại học mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024, đào tạo giáo viên môn tích hợp, trang bị cho người học những năng lực và phẩm chất cần thiết, giúp tự tin đứng lớp dạy môn Khoa học tự nhiên.
Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiều ưu điểm nổi bật: Sinh viên được trang bị tri thức bộ môn tâm lý học lứa tuổi THCS, giúp sinh viên xử lý được các tình huống sư phạm khi dạy học môn Khoa học tự nhiên; sinh viên được trang bị tri thức và năng lực dạy học tích hợp, để độc lập giảng dạy được môn học; sinh viên được trang bị các tri thức cập nhật và hiện đại về các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học, Trái đất và bầu trời, Công nghệ thông tin… để bắt kịp nhu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, sinh viên được đào tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cách sử dụng các công nghệ thực tế tăng cường AR (Augmented Reality), công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality;) trong việc thiết kế kế hoạch bài dạy môn Khoa học tự nhiên, nhất là tận dụng những ưu thế của các công nghệ này trong việc thiết kế các thí nghiệm ảo để đưa vào bài dạy môn Khoa học tự nhiên. Với những ưu điểm nổi bật trên, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ được đào tạo bài bản, có năng lực giảng dạy và cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động sau khi hoàn thành Chương trình đào tạo này.
Về cơ hội việc làm với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, thực tế đến nay chưa có sinh viên tốt nghiệp ngành học này để trở thành giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở các trường phổ thông. Người tốt nghiệp ngành học này sẽ có cơ hội đảm nhận tại nhiều vị trí việc làm khác nhau như: Giảng dạy môn Khoa học tự nhiên hay các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục phổ thông; giảng dạy tri thức có liên quan đến Khoa học tự nhiên ở các trường nghề trong các cơ sở giáo dục; có thể làm việc ở các trung tâm, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất có sử dụng tri thức về Khoa học tự nhiên; người học có khả năng học tập nâng cao trình độ tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ.
Nhà trường đã đưa ra những tiêu chí như thế nào để tuyển sinh ngành cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên, thưa ông?
Ngoài các tiêu chí chung giống các ngành sư phạm khác theo quy định (thí sinh đã tốt nghiệp cấp THPT, đối với nhóm ngành sư phạm: Tuyển những thí sinh có hạnh kiểm lớp 10, 11, 12 đạt từ loại khá trở lên và không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp...). Để tuyển sinh cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên, nhà trường sử dụng các mã và tên phương thức xét tuyển như sau: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT hay học bạ; xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; xét chuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển gồm: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn (A16); Toán, Vật lý, Hóa học (A00); Toán, Vật lý, Sinh học (A02); Toán, Hóa học, Sinh học (B00).
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Vân/Báo Tin tức
GDVN - Công nghệ sinh học được xem là cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sức khỏe, khoa
04/09/2024
GD&TĐ - Chuyên gia nêu giải pháp trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương
04/09/2024
GD&TĐ - Tại Việt Nam giáo dục STEM trong giai đoạn đầu, vừa triển khai vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.
04/09/2024
GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chia sẻ về việc dạy học
04/09/2024
GD&TĐ - Đưa giáo dục STEM vào trường học phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, mang lại nhiều ý
01/09/2024
Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn
22/04/2024