Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0978669773
khoasinhktnn@hpu2.edu.vn

Dạy học tích hợp: Nỗ lực từ giáo viên đơn môn

GD&TĐ - Chuyên gia nêu giải pháp trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương trình GDPT 2018...

Thầy trò Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Nhận diện những khó khăn, thách thức trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra một số giải pháp khắc phục.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

Khó khăn nhất là đội ngũ

- Từ thực tế, đặc biệt trong 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, theo ông, đâu là vấn đề còn hạn chế khi dạy học tích hợp?

- Bốn năm triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều kết quả tích cực được ghi nhận. Dạy học tích hợp trở thành trào lưu sư phạm hiện đại, xu thế của giáo dục toàn cầu; yếu tố tất yếu của mô hình giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Dạy học tích hợp đã và đang thực hiện hiệu quả ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới (Anh, Mỹ, Hàn Quốc...). Tuy nhiên, triển khai dạy học tích hợp với một số môn học mới thuộc cấp THCS ở Việt Nam như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn hạn chế, bất cập.

Thực tiễn triển khai dạy học các môn học mới, trong đó có Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở các trường THCS còn gặp không ít khó khăn về nguồn lực giáo viên. Lý do, dạy học môn tích hợp không dễ dàng với giáo viên vốn quen dạy môn chuyên ngành, đơn lẻ như Hoá học, Sinh học, Lịch sử… Khó khăn lớn nhất của các địa phương khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là thiếu giáo viên đứng lớp, chưa có giáo viên “tích hợp” được đào tạo chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ từ các trường sư phạm.

Ngoài ra, phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp để dạy các môn tích hợp khá phức tạp. Nhà trường phải bố trí từ 2 đến 3 giáo viên dạy môn tích hợp và đây là tình huống chưa có tiền lệ trong dạy học trường phổ thông. Hơn nữa, để đảm bảo thời lượng dạy các mạch chủ đề chung phù hợp trong môn tích hợp, phải thay đổi thời khóa biểu nhiều lần trong kỳ/tháng. Vì thế, việc triển khai ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý; ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh.

Ngành Giáo dục đã có giải pháp cho vấn đề chưa có giáo viên tích hợp bằng việc triển khai bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thông qua Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên hoặc môn Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, nhiều thầy cô tham gia chương trình bồi dưỡng thừa nhận khó có thể đảm bảo hiệu quả, chất lượng dù được bồi dưỡng để đảm nhận dạy học môn tích hợp.

Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ để triển khai hiệu quả những môn tích hợp ở cấp THCS.

- Khó khăn, rào cản trong dạy học tích hợp không ít. Vậy trường sư phạm có giải pháp gì để gỡ khó cho đội ngũ?

- Như đã nói trên, giáo viên dạy môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… chưa được đào tạo để dạy tích hợp mà hầu hết chỉ đào tạo dạy đơn môn, ít thầy cô được đào tạo dạy 2 môn. Hơn nữa, giáo viên dạy đơn môn mà chỉ học khóa bồi dưỡng để đảm nhận toàn bộ mạch chủ đề chung của môn tích hợp thì khó đảm bảo chất lượng, đặc biệt với kiến thức chuyên sâu.

Việc đánh giá, thi, kiểm tra môn tích hợp cũng gặp khó khăn nhất định. Do dạy học thực hiện bởi từ 2 giáo viên trở lên nên xây dựng đề khách quan cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các giáo viên, mà việc này chưa thành thói quen đối với họ.

Theo thông tin từ các giáo viên tham dự hội nghị triển khai công tác thực tập sư phạm, chuyên ngành do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức, việc xây dựng câu hỏi/bài tập thực tiễn dùng trong kiểm tra đánh giá môn Khoa học tự nhiên còn khó khăn. Dựa trên đề xuất của một số trường phổ thông, nhằm thực thi sứ mạng, trách nhiệm cộng đồng, trường đã chủ động kết nối với các trường phổ thông để hỗ trợ cho giáo viên khắc phục khó khăn này trong ngắn hạn.

Lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan (Khoa Hóa học, Khoa Vật lý,…) thực hiện và 4 bộ tài liệu bồi dưỡng được biên soạn, nghiệm thu đưa vào sử dụng (Dạy học các chủ đề tích hợp Khoa học tự nhiên 8, 9; Hướng dẫn xây dựng và sử dụng câu hỏi/bài tập thực tiễn trong kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên 8, 9). Nhà trường cử giảng viên về địa phương, trường phổ thông để báo cáo chuyên đề, trực tiếp trao đổi, thảo luận cùng thầy cô giáo nhằm tháo gỡ khó khăn khi triển khai. Trong dài hạn, để khắc phục khó khăn dạy học môn tích hợp, Trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Lịch sử và Địa lý (bắt đầu tuyển sinh năm 2023), Khoa học tự nhiên (tuyển sinh từ năm 2024 nếu được Bộ GD&ĐT cho phép).

Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, bố trí thời khóa biểu cũng gặp khó khăn, các cơ sở giáo dục thực hiện khác nhau. Vì xuất hiện tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ nên không thể bố trí dạy đúng logic môn học; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Sử dụng SGK mới lớp 7, lớp 10 đáp ứng Chương trình GDPT 2018 môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Sinh học”. Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)



Tags:


Bài viết khác

Học ngành Công nghệ sinh học ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, sinh viên có ưu thế gì?

Học ngành Công nghệ sinh học ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, sinh viên có ưu thế gì?

GDVN - Công nghệ sinh học được xem là cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sức khỏe, khoa

04/09/2024

Địa phương cần giáo viên dạy tích hợp đào tạo bài bản

Địa phương cần giáo viên dạy tích hợp đào tạo bài bản

Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên là ngành học mới đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thí sinh

04/09/2024

STEM trong trường học: Giải pháp lâu dài cần hướng đến trong đào tạo giáo viên

STEM trong trường học: Giải pháp lâu dài cần hướng đến trong đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Tại Việt Nam giáo dục STEM trong giai đoạn đầu, vừa triển khai vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

04/09/2024

3 định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình mới

3 định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình mới

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chia sẻ về việc dạy học

04/09/2024

Hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM

Hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM

GD&TĐ - Đưa giáo dục STEM vào trường học phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, mang lại nhiều ý

01/09/2024

CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐỊNH HƯỚNG  NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐỊNH HƯỚNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn

22/04/2024

0978669773