Đào tạo sư phạm môn tích hợp, chấm dứt tình trạng “cơm chấm cơm”
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở thêm một số ngành đào tạo mới. Trong đó, có ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, năm nay, nhà trường mở thêm ngành đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên và là năm thứ 2 tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý.
Đối với việc mở ngành với đào tạo giáo viên môn tích hợp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ cũng cho rằng đây là giải pháp căn bản trang bị kiến thức bài bản, giúp thầy cô tự tin đứng lớp.
Thầy Thụ cho biết: “Đối với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, nhà trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo từ năm 2023. Việc tổ chức đào tạo được triển khai rất thuận lợi và bài bản. Giảng viên giảng dạy cũng rất thoải mái; còn về phía sinh viên về cơ bản cũng hào hứng với ngành học mới, đặc biệt là việc vận dụng cả kiến thức Lịch sử và Địa lý để tìm hiểu về văn hóa ở vùng địa lý cụ thể; nhìn nhận phong tục, tập quán hay trò chơi dân gian dưới góc độ lịch sử và địa lý. Tỉ lệ “chọi” đối với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý năm 2023 cũng khá cao: Với hơn 1.200 nguyện vọng nhưng chỉ lấy 60 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi cũng khoảng 1/20, cho thấy nguồn tuyển khá tốt.
So với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý của năm trước, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên năm nay quả thật khó hơn nhiều. Thực chất, ngành đã được đào tạo từ rất lâu ở một số nước phát triển, nhưng đối với Việt Nam, đây mới chỉ là những bước đầu tiên. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường phổ thông còn khá bối rối trong việc thực hiện, từ phân công giáo viên giảng dạy cho đến kiểm tra, đánh giá…
Chính vì thế, khi khi có dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 là nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị các thủ tục xin mở ngành.
Song, đối ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đi sau một số cơ sở đào tạo khác như Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) hay Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên)”.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ, cũng chính nhờ đi sau, nên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lại có nhiều thuận lợi hơn: Thứ nhất, nhà trường có thể tham khảo, đối sánh từ khâu thiết kế chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo, thiết kế phương pháp dạy học cho đến định hướng tương lai của sinh viên sau khi tốt nghiệp (có thể lựa chọn học sau đại học những ngành nào). Thứ hai, nhà trường chủ động góc độ hay mức độ tích hợp trong chương trình đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên.
“Tức là trên cơ sở của chương trình môn học Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhà trường thiết kế chương trình đào tạo tương ứng, dựa trên hai căn cứ: một là các mạch nội dung, hai là mức độ tích hợp, từ đó, sẽ có nhiều thuận lợi hơn, chủ động xây dựng nội dung tích hợp.
Nếu như giáo viên thực hiện theo cách chỉ tập huấn, bồi dưỡng chứng chỉ trong thời gian vài tháng, theo hướng chương trình môn Khoa học tự nhiên ở phổ thông có nội dung gì thì giáo viên bồi dưỡng nội dung đó, thì sẽ không được trọn vẹn. Bởi vậy, mới có tình trạng giống như “cơm chấm cơm” ngày xưa, tình trạng giáo viên rất sợ học sinh hỏi bài vì trước đây, bản thân mỗi giáo viên chỉ được đào tạo để dạy một môn, qua bồi dưỡng vài tháng, lại phải dạy thêm hai môn nữa, đặc biệt là những nội dung tích hợp, đó là một vấn đề nan giải.
Chính vì vậy, bây giờ nếu có một ngành đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên (tức là ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên), giáo viên sẽ được đào tạo bài bản hơn” - thầy Thụ lý giải.
Đầu tư nhiều cho kiến thức tích hợp, có học phần ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên năm 2024 dự kiến tuyển 66 chỉ tiêu.
Được biết, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiều ưu điểm nổi bật.
Theo đó, vị Trưởng phòng Đào tạo thông tin: “Trước hết, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức của bộ môn tâm lý học lứa tuổi trung học cơ sở. Bởi, về mặt tâm lý học (lứa tuổi trung học cơ sở có nhiều biến động, khác với lứa tuổi trung học phổ thông), nên thầy cô nếu chỉ được bồi dưỡng về chuyên môn mà không được trang bị về kiến thức tâm lý lứa tuổi tương ứng, cũng là một điểm hạn chế.
Và quan trọng hơn nữa là phần kiến thức tích hợp. Trước đây, một vấn đề được các thầy cô giảng dạy trên quan điểm của từng đơn môn, còn bây giờ, cùng một vấn đề phải dùng đến kiến thức của cả ba môn Lý, Hóa, Sinh mới có thể giải quyết được. Nếu có sinh viên học đại học chính quy ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên được đào tạo bài bản thì giáo viên sẽ yên tâm, tự tin khi đứng lớp.
Điểm nổi bật đối với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 so với các cơ sở đào tạo khác chính là đầu tư nhiều cho phần kiến thức tích hợp. Đối với từng đơn môn Lý, Hóa, Sinh, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xong cũng đã được học tương đối kiến thức căn bản, cho nên khi vào học các ngành sư phạm tích hợp, nhà trường cũng chỉ dạy những kiến thức đại cương; thời lượng đào tạo còn lại phần lớn là tập trung vào những kiến thức tích hợp và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Đặc biệt, khó nhất là thiết kế hệ thống các thí nghiệm mang tính hợp để cho sinh viên thực tập trước. Không chỉ tham khảo chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của một số trường đại học trong nước, chương trình đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 còn được xây dựng dựa trên tham khảo chương trình đào tạo của một số nước phát triển, chương trình môn học Khoa học tự nhiên theo một số giáo trình nổi tiếng như Science B, Collins Science,…
Đó là ưu điểm nổi bật của việc được đào tạo bài bản so với việc giáo viên đơn môn mà đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày”.
“Và đương nhiên, giáo viên được đào tạo bài bản sẽ có khả năng giảng dạy tốt hơn, cạnh tranh tốt hơn. Mặc dù có thể ở đôi nơi, nếu nhà trường, đơn vị đang ổn định đội ngũ, sẽ dẫn đến khó khăn hơn trong tuyển dụng, song, vấn đề đặt ra là không thể vì cái khó ấy mà chần chừ, và đồng thời việc đào tạo như thế này cũng giúp chúng ta chuẩn bị dần đội ngũ cho tương lai” - thầy Thụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng được trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin để bắt kịp nhu cầu chuyển đổi số.
“Chúng tôi thiết kế cả chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, có riêng một học phần ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Khoa học tự nhiên. Đặc biệt, sinh viên được đào tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cách sử dụng các công nghệ AR (Augmented Reality), VR (Virtual Reality) trong việc thiết kế bài giảng môn Khoa học tự nhiên, nhất là tận dụng những ưu thế của các công nghệ này trong việc thiết kế các thí nghiệm ảo để đưa vào bài giảng môn Khoa học tự nhiên. Những nội dung này thì đặc biệt là các trường phổ thông quốc tế tại Hà Nội rất phát triển.
Để xây dựng chương trình này, nhà trường đã phải tổ chức dự giờ môn Khoa học tự nhiên của các trường quốc tế tại Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm. Điều đó là cần thiết” - thầy Thụ chia sẻ.
Ngoài ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, năm 2024 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng tuyển sinh các ngành mới gồm:
- Trình độ đại học: Tâm lý học giáo dục, Quản lý thể dục thể thao, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật hóa học và đang xây dựng Đề án mở ngành Sư phạm Địa lý.
- Trình độ thạc sĩ: Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Giáo dục thể chất.
- Trình độ tiến sĩ: Lý luận văn học.
Nhu cầu giáo viên tích hợp ở các địa phương là rất lớn
Chia sẻ về tình hình đặt hàng đào tạo giáo viên tích hợp của các địa phương, thầy Thụ cho biết: “Để quan tâm đến chất lượng đào tạo, các tỉnh đều cần nguồn giáo viên được đào tạo một cách bài bản, sẽ tốt hơn nhiều so với một giáo viên dạy một môn rồi đi bồi dưỡng. Đặc biệt, bây giờ khuyến khích học sinh trung học cơ sở không thi học sinh giỏi Hóa, Lý, Sinh nữa mà thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, như vậy, phải là người được đào tạo bài bản mới có thể hướng hướng dẫn được những đội tuyển đó.
Vậy nên, nhu cầu giáo viên tích hợp ở các địa phương hiện nay là rất lớn, cũng đã có những nơi đã đặt hàng đào tạo ngành sư phạm tích hợp. Tuy nhiên, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm còn một số bất cập trong thực tiễn triển khai, nên số lượng này cũng chưa thực sự nhiều”.
Nguồn: Giaoducvietnam.net.vn
https://giaoduc.net.vn/nganh-su-pham-khoa-hoc-tu-nhien-cua-truong-dh-su-pham-ha-noi-2-co-uu-diem-gi-post241089.gd
GDVN - Công nghệ sinh học được xem là cánh tay đắc lực trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, sức khỏe, khoa
04/09/2024
Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên là ngành học mới đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thí sinh
04/09/2024
GD&TĐ - Chuyên gia nêu giải pháp trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương
04/09/2024
GD&TĐ - Tại Việt Nam giáo dục STEM trong giai đoạn đầu, vừa triển khai vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.
04/09/2024
GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chia sẻ về việc dạy học
04/09/2024
GD&TĐ - Đưa giáo dục STEM vào trường học phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, mang lại nhiều ý
01/09/2024
Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn
22/04/2024