Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định hướng sản xuất bền vững nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam, Công nghệ Sinh học (CNSH) được xác định là một trong những ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn, giữ vai trò then chốt trong y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghiệp thực phẩm. Ngành học này ngày càng thu hút sự quan tâm sâu rộng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với nhiều chiến lược lớn được ưu tiên đầu tư và phát triển.
Công nghệ Sinh học là gì?
CNSH là lĩnh vực khoa học – kỹ thuật liên ngành, kết hợp giữa các quy trình công nghệ hiện đại và nguyên lý sinh học để tạo ra những sản phẩm và giải pháp chất lượng cao phục vụ con người. Với khả năng ứng dụng sâu rộng, CNSH đang trở thành chìa khóa trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường – đồng thời là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Chiến lược quốc gia cho sự phát triển Công nghệ Sinh học
CNSH đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học – công nghệ quốc gia ngay từ năm 1996, với Nghị quyết số 02-NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII. Tiếp đó, Chỉ thị số 50-CT/TW năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu "đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các ngành sản xuất và đời sống". Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu châu Á về công nghệ sinh học; đến năm 2045, trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, với tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt từ 10-15%. Đáng chú ý, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 tiếp tục khẳng định CNSH là một trong những công nghệ tiên phong cần ưu tiên đầu tư, nhấn mạnh cơ chế thử nghiệm linh hoạt, chấp nhận rủi ro, thúc đẩy thương mại hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo động lực phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghệ sinh học trong dài hạn. Đây là nền tảng quan trọng để nâng tầm CNSH thành ngành kinh tế – kỹ thuật chủ lực của quốc gia.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023, đề ra các nhiệm vụ chiến lược: hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu – sản xuất, thúc đẩy hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ sinh học vào thực tiễn. Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, công bố Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược quốc gia, trong đó CNSH được xác định là một trong những công nghệ cốt lõi, với ba trọng tâm ưu tiên: vaccine thế hệ mới, liệu pháp gen, và liệu pháp tế bào.
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các chính sách vĩ mô đã tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học.
Ứng dụng đa ngành – Mở rộng cơ hội nghề nghiệp
CNSH hiện đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống và sản xuất, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về y tế, nông nghiệp, thực phẩm và môi trường. Trong lĩnh vực y – dược học, CNSH đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và sản xuất vaccine, thuốc sinh học, tế bào gốc, bộ kit chẩn đoán nhanh và các loại sinh phẩm phục vụ điều trị, chẩn đoán bệnh. Trong nông nghiệp công nghệ cao, CNSH hỗ trợ việc chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi sạch, bền vững, đồng thời ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất phân bón sinh học và chế phẩm bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm và bảo vệ môi trường, CNSH được áp dụng để xử lý chất thải hữu cơ, cải tạo đất và nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời phát triển các enzyme công nghiệp và phụ gia sinh học an toàn, phục vụ sản xuất xanh và bền vững.
Với tiềm năng ứng dụng đa ngành sâu rộng như vậy, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực CNSH không ngừng gia tăng, mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho người học. Theo thống kê và phân tích từ các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách giáo dục – đào tạo, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam cần bổ sung hàng nghìn kỹ sư, cử nhân công nghệ sinh học có trình độ chuyên môn vững vàng. Cùng với đó, nhu cầu về chuyên gia trong các lĩnh vực như y sinh học, genomics, proteomics, nông nghiệp công nghệ cao và kỹ thuật di truyền cũng đang tăng mạnh, phản ánh xu hướng toàn cầu. Thị trường CNSH thế giới được dự báo đạt 1.315,9 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,27% mỗi năm (theo IMARC Group, 2024). Thêm vào đó, các khảo sát về thu nhập ngành này cho thấy mức lương khởi điểm từ 8-15 triệu/tháng dành cho người mới tốt nghiệp và có thể tăng lên 25-40 triệu/tháng cho chuyên gia giàu kinh nghiệm, đặc biệt tại các cơ sở đa quốc gia hoặc viện nghiên cứu lớn.
Như vậy, với nhu cầu nhân lực chất lượng cao và mức thu nhập cạnh tranh, người học ngành CNSH có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí nghề nghiệp hấp dẫn trong cả khu vực công và tư: từ nghiên cứu – sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế; phân tích di truyền, kiểm nghiệm thực phẩm/nông sản; đến giảng dạy, tư vấn kỹ thuật và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các startup CNSH.
Định vị Công nghệ sinh học như một lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển của Trường ĐHSP Hà Nội 2
Nhận thức rõ vai trò và tiềm năng phát triển to lớn của ngành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã xác định CNSH là lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặt trọng tâm vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu ứng dụng và thúc đẩy chuyển giao công nghệ – đặc biệt trong các hướng công nghệ sinh học phục vụ giáo dục, y học, nông nghiệp và môi trường. Trong đó, khoa Sinh học giữ vai trò nòng cốt, là đơn vị chủ lực triển khai định hướng này.
Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, khoa Sinh học đạt giải cao trong cuộc thi “Sinh viên HPU2 với ý tưởng khởi nghiệp”
Với định hướng đào tạo gắn với thực tiễn, khoa Sinh học không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng ứng dụng – hội nhập, đồng thời xây dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo, hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện cả về năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, sinh viên ngành CNSH được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu, thực tập, khởi nghiệp và kết nối doanh nghiệp ngay từ khi còn trên giảng đường – mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động chất lượng cao.
Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo tại Hội thảo “Khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường Đại học, cao đẳng”, tỉnh Vĩnh Phúc
Với tầm nhìn chiến lược rõ ràng và sự đầu tư bài bản, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và khoa Sinh học đã và đang kiến tạo môi trường học tập hiện đại, thực tiễn và truyền cảm hứng – nơi hành trình chinh phục Công nghệ sinh học của người học được bắt đầu một cách vững chắc.
Ban truyền thông