Năm học 2024–2025 đánh dấu một chặng đường đầy nỗ lực và đổi mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nói chung và Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (CLB NCKH & ĐMST) nói riêng. Với sự đồng hành tận tâm của các thầy cô cố vấn và tinh thần chủ động, sáng tạo của các thành viên, CLB đã tổ chức thành công nhiều buổi seminar đầy ý nghĩa, tạo nên không gian học thuật sôi động, gần gũi và bổ ích.
Thành viên CLB Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (SRIC – HPU2)
Mở đầu chuỗi hoạt động học thuật là buổi seminar tháng 12 về chủ đề “Giới thiệu về nghiên cứu khoa học”, nơi các thành viên CLB được tiếp cận nền tảng lý thuyết cơ bản về nghiên cứu khoa học từ khái niệm, vai trò đến quy trình và đạo đức trong nghiên cứu. Báo cáo viên Bùi Phương Linh đã chia sẻ sinh động và truyền cảm hứng về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi nghiên cứu đúng và kỹ năng tìm kiếm tài liệu hiệu quả. Tiếp nối là phần giới thiệu về hướng nghiên cứu chuyên sâu của ngành Sinh học như Động vật học và Phân loại học thực vật. Các thành viên CLB được lắng nghe chia sẻ từ báo cáo viên Hoàng Thị Thu Hoàn về hướng nghiên cứu động vật học một lĩnh vực hấp dẫn, giàu tiềm năng ứng dụng trong bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sinh vật. Đặc biệt, báo cáo của bạn Lê Hồng Ánh về hướng nghiên cứu phân loại học thực vật đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách triển khai một đề tài nghiên cứu thực tế, từ xác định đối tượng đến kế hoạch thực hiện. Buổi seminar tháng 12 không chỉ cung cấp kiến thức mà còn bước đầu khơi dậy hứng thú nghiên cứu, tạo động lực để các thành viên CLB mạnh dạn bắt đầu hành trình khoa học của mình.
Bước sang học kỳ II, seminar tháng 2 mang đến một chủ đề thú vị và thiết thực gắn liền với bối cảnh thời đại – công nghệ số 4.0: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu và học tập”. Hai báo cáo viên Đỗ Thị Hương và Hoàng Quốc Huy đã trao đổi cùng các thành viên CLB về vai trò ngày càng lớn của AI trong việc hỗ trợ thu thập dữ liệu, xử lý thông tin và xây dựng ý tưởng nghiên cứu. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi thực tế: “Làm thế nào để phân biệt thông tin thật giả do AI cung cấp?”; “Nên sử dụng công cụ nào cho hiệu quả tối ưu?” và “Làm sao để tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ chứ không lệ thuộc?”... Qua đó, các thành viên CLB được định hướng rõ ràng về cách sử dụng công nghệ một cách thông minh, hiệu quả và có trách nhiệm trong học tập cũng như nghiên cứu.
Báo cáo viên Đỗ Thị Hương
Báo cáo viên Hoàng Quốc Huy
Không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lý thuyết, seminar tháng 3 mang tới một chuyên đề hướng tới xây dựng một môi trường học thuật bình đẳng, truyền cảm hứng và nuôi dưỡng đam mê với chủ đề “Nghiên cứu khoa học – Chìa khóa vàng cho sinh viên thời đại mới” và “Góc nhìn mới về phụ nữ trong khoa học: Những bộ óc vĩ đại thầm lặng”. Báo cáo viên Bế Văn Sang đã chia sẻ những thông tin hữu ích về các Chương trình học bổng phù hợp với sinh viên chuyên ngành Khoa học sự sống, kèm theo đó là những tấm gương tiêu biểu đã đạt được những xuất học bổng giá trị ở những cường quốc về khoa học như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhờ những nỗ lực nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Báo cáo viên phân tích những yếu tố giúp họ thành công đồng thời đưa ra bài học và định hướng cho sinh viên muốn theo đuổi học bổng qua con đường NCKH. Trong khi đó, báo cáo viên Lê Đỗ Hoài Thư bàn luận về sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với vị trí và vai trò của phụ nữ trong khoa học, từ việc bị xem nhẹ trong lịch sử đến những thành tựu quan trọng họ đã đạt được. Báo cáo viên đã giúp người nghe hiểu rằng dù ngày nay phụ nữ đã có nhiều cơ hội hơn, họ vẫn đối mặt với rào cản và định kiến nhất định trong khoa học. Để đạt được bình đẳng thực sự, cần có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và khuyến khích thế hệ trẻ theo đuổi khoa học.
Báo cáo viên Bế Văn Sang
Báo cáo viên Lê Đỗ Hoài Thư
Buổi seminar cuối cùng trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Kỹ thuật tìm kiếm và quản lý tài liệu học thuật ”. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nghiên cứu khoa học không còn là lĩnh vực dành riêng cho những người theo đuổi học thuật chuyên sâu, mà đã trở thành một kỹ năng thiết yếu đối với sinh viên đại học. Báo cáo viên Vũ Hải đã giúp người nghe biết cách xác định từ khóa và cách sử dụng từ khóa mở rộng trong tìm kiếm. Các công cụ tìm kiếm tài liệu và hướng dẫn quản lý trích dẫn tài liệu tham khảo hiệu quả. Đây là một trong những “chìa khóa vàng” để thích ứng và thành công trong thời đại mới.
Báo cáo viên Vũ Hải
Các buổi seminar chuyên môn của CLB NCKH & ĐMST không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là diễn đàn để các thành viên CLB rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng đặt câu hỏi, trình bày ý tưởng và làm việc nhóm. Dưới sự hướng dẫn tận tình của TS. Khuất Văn Quyết người đồng hành chuyên môn trong suốt chuỗi hoạt động; mỗi buổi seminar đều được tổ chức nghiêm túc, cởi mở và đầy cảm hứng. Tổng cộng trong các buổi seminar, CLB đã thu hút gần 100 lượt sinh viên tham dự, tạo dấu ấn rõ nét về tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong tổ chức. Sự tham gia đông đảo này không chỉ thể hiện sự quan tâm của sinh viên đến học thuật mà còn khẳng định vai trò ngày càng rõ rệt của CLB NCKH & ĐMST trong việc lan tỏa tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học trong toàn Khoa.
Các thành viên CLB chụp ảnh lưu niệm sau một buổi seminar
Chuỗi seminar chuyên môn năm học 2024–2025 đã khép lại với nhiều thành quả tích cực. Những buổi gặp gỡ không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên chủ động tiếp cận nghiên cứu khoa học từ sớm. Đây chính là tiền đề vững chắc để Khoa Sinh học tiếp tục xây dựng một cộng đồng học thuật năng động, sáng tạo và gắn kết. Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học và Đổi mới sáng tạo – Khoa Sinh học sẽ tiếp tục là “ngọn lửa nhỏ” âm thầm nhưng bền bỉ, góp phần chắp cánh cho những ý tưởng khoa học bay cao, bay xa hơn nữa trong tương lai.
Bài viết: Ban NCKH, Ban truyền thông SRIC